Thứ Tư, Tháng 6 18, 2025

Chim Hải Âu và Mòng Biển khác nhau như thế nào?

Hải Âu và Mòng Biển luôn được xem là loài chim gắn liền với những đại dương rộng mênh mông. Tuy nhiên, không ít người hiện nay vẫn nhầm lẫn và cho rằng hai loài chim này là một. Vì vậy, bài viết sau đây HoiChimTroi.Com sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ Hải Âu và Mòng Biển có những đặc điểm gì khác nhau nhé. Xin mời!!!

1. Hải Âu và Mòng Biển là một loài?

Câu trả lời là Không. Hải Âu và Mòng Biển là hai loài chim hoàn toàn khác nhau. Và dưới đây là những thông tin giúp bạn đọc hiểu hơn về những đặc điểm khác nhau của hai loài chim này.

Tiêu chí Hải Âu (Albatross) Mòng Biển (Seagull)
Phân loại khoa học Bộ: Procellariiformes,
Họ: Diomedeidae
Bộ: Charadriiformes,
Họ: Laridae
Phạm vi phân bố Bán cầu Nam,
một phần Bắc Thái Bình Dương
Phân bố toàn cầu
Môi trường sống Biển, các đảo Biển, nước ngọt, đất liền
Kích thước Lên đến 10kg 113g – 1.8kg
Sải cánh 2 – 3.4m 0.6 – 1.5m
Chế độ ăn Động vật ăn thịt Động vật ăn tạp
Tuổi thọ Lên đến 50 năm Lên đến 20 năm
Loại tổ Tổ cao Tổ trên mặt đất
Số trứng mỗi lứa 1 trứng 3 trứng

2. Hải Âu và Mòng Biển có gì khác nhau?

Để giúp bạn đọc hiểu và phân biệt được hai loài chim Hải Âu và Mòng Biển, thì những đặc điểm mà chúng tôi chia sẻ sau đây, ít nhiều sẽ giúp các bạn dễ dàng phân biệt được hai loài chim này nhé.

Theo những thông tin chúng tôi tìm hiểu và tổng hợp được, thì những điểm khác biệt chính của loài chim Hải Âu và Mòng Biển đó là: Phân loại khoa học, phạm vi hoạt động, môi trường sống, kích thước, chế độ ăn, tuổi thọ… Cụ thể:

2.1. Phân loại khoa học

Hải Âu hay còn được gọi là “Albatross” (hải âu lớn) là một loài chim thuộc họ Diomedeidae. Đây là những loài chim biển lớn, có chân màng và đôi cánh cực dài, mảnh mai. Hải Âu thuộc bộ Procellariiformes, cùng với các loài như chim báo bão, chim lặn biển và các loài chim biển khác. Hiện nay loài Hải Âu có khoảng 21 loài phân bố trên toàn thế giới, nhưng trong đó có đến 19 loài đang bị đe dọa hoặc nằm trong danh sách có nguy cơ tuyệt chủng.

Còn Mòng Biển hay còn gọi là hải âu nhỏ, tên tiếng Anh là Seagull là những loài chim biển thuộc họ Laridae. Chúng thuộc bộ Charadriiformes, bao gồm cả chim lội nước, mòng biển và chim biển mỏ dài. Ngoài ra, mòng biển thuộc phân bộ Lari, cùng với các loài như nhạn, chim cướp biển phương Bắc, chim rẽ mỏ, cũng như một số loài chim lội và dẽ giun. Có hơn 50 loài mòng biển được biết đến trên toàn thế giới.

Chim Hải Âu và Mòng Biển khác nhau như thế nào?

2.2. Đặc điểm ngoại hình

Hải Âu là loài chim có kích thước rất lớn, với bộ lông thường là sự pha trộn giữa trắng, đen và xám. Chúng sở hữu chiếc mỏ dài, khỏe, có mép sắc và cong ở đầu. Mỏ thường có màu cam hoặc vàng, được cấu tạo từ các tấm sừng. Hai bên mỏ có những ống nhỏ cho phép hải âu đo tốc độ gió khi bay, giúp chúng thực hiện những chuyến bay lượn dài đầy ấn tượng. Hải Âu có sải cánh cực kỳ lớn, từ 2-3.3m. Hai loài Hải Âu hoàng gia và Hải Âu lang thang có sải cánh vượt quá 3.4m, là sải cánh lớn nhất trong thế giới loài chim. Trọng lượng của một con hải âu trưởng thành có thể lên tới 10kg.

Còn Mòng Biển lại là một loài chân nhỏ, sở hữu chân dài và mỏ dày, ngắn, thường có màu vàng, đỏ hoặc đen và cũng cong nhẹ ở đầu mỏ. Lông của chúng chủ yếu là màu trắng, với lưng hoặc cánh màu xám đậm hoặc đen. Một số loài có bộ lông toàn trắng, xám hoặc đen. Đầu Mòng Biển có màu thay đổi theo loài và mùa sinh sản. Sải cánh của mòng biển dao động từ khoảng 60cm đến hơn 1.5m tùy loài. Trọng lượng cũng rất đa dạng, từ khoảng 100g đến gần 2kg.

2.3. Phạm vi phân bố và môi trường sống

Hải Âu lớn có nguồn gốc từ bán cầu Nam, quanh khu vực Nam Cực, Nam Mỹ, Nam Phi và Úc. Một số loài cũng sinh sống ở khắp khu vực Bắc Thái Bình Dương. Nhờ khả năng thích nghi với việc bay lượn trong thời gian dài, chúng có thể vượt trong một khoảng cách lớn trên đại dương mà hầu như không cần vỗ cánh. Có một điều vô cùng đặc biệt đó là loài Hải Âu có thể trải qua 6 năm đầu đời mà không hề chạm vào đất liền. Chúng cần gió mạnh để di chuyển, nên có thể gặp khó khăn ở những khu vực có ít gió hoặc gió yếu.

Mòng Biển, thì ngược lại, chúng sinh sản trên mọi châu lục, dù xuất hiện ít phổ biến hơn ở các đảo nhiệt đới. Trong các môi trường sống phù hợp, chúng phân bố trên toàn thế giới. Các loài mòng biển rất đa dạng về sở thích môi trường sống, bao gồm biển, nước ngọt và vùng đất liền nội địa. Tuy nhiên, phần lớn đều sống ở các khu vực ven biển. Đáng chú ý, đa số mòng biển là loài di cư, có thể di chuyển khoảng cách ngắn hoặc dài đến những vùng khí hậu ấm áp hơn, tùy theo từng loài.

2.4. Thức ăn, chế độ ăn

Hải Âu là loài ăn thịt, thức ăn chính của chúng mực, cá, sứa và nhuyễn thể. Chúng cũng rất thích nội tạng động vật, đôi khi còn ăn xác chết trôi hoặc sinh vật phù du. Hải Âu chỉ có thể lặn nông, xuống khoảng 1-2m từ mặt nước để săn mồi. Nếu phát hiện con mồi từ trên không, một số loài có thể lao xuống nhanh chóng để bắt. Chế độ ăn của chúng thay đổi theo từng loài và phụ thuộc vào môi trường sống, có loài chủ yếu ăn mực, có loài lại phụ thuộc vào cá. Hải âu rất khéo léo khi kiếm ăn, thường theo sau các tàu thuyền để ăn thức ăn thừa hoặc xác động vật trôi nổi trên biển.

Hải Âu sử dụng khứu giác cực kỳ nhạy bén để phát hiện nguồn thức ăn. Và chúng có thể uống cả nước ngọt và nước mặn nhờ vào tuyến muối đặc biệt, cho phép bài tiết muối thừa qua lỗ mũi, giúp thận duy trì cân bằng điện giải trong cơ thể.

Còn Mòng Biển là loài ăn tạp, chúng ăn được nhiều loại thức ăn khác nhau như: Cá, côn trùng, giun, chuột, trứng, xác động vật chết và nội tạng, cho đến cả bò sát, lưỡng cư, thậm chí thực vật, hạt giống và trái cây. Mòng biển thích nghi tốt với việc di chuyển trên mặt đất để tìm kiếm thức ăn. Mòng Biển cũng có khả năng bay cao rồi lao xuống để bắt mồi, nhưng không thể lặn quá sâu. 

Một điểm giống nhau giữa Hải Âu và Mòng Biển là khả năng xử lý nước biển nhờ tuyến muối. Mòng biển có rãnh ở mỏ, giúp nước muối thừa chảy ra ngoài và thường được thấy lắc đầu để đẩy dung dịch mặn ra ngoài cơ thể.

Chim Hải Âu và Mòng Biển khác nhau như thế nào?

2.5. Tập tính sinh sản

Đến mùa sinh sản, Hải Âu sẽ di cư đến các vùng ven biển để sinh sản sau nhiều tháng bay lượn trên biển. Chúng rất cẩn trọng khi chọn bạn đời, bởi có thể sống tới 50 năm và thường ghép đôi trọn đời. Khi tán tỉnh, chim trống thường thực hiện các động tác như: Múa, hót, rỉa lông, chạm mỏ, kêu gọi và chỉ trỏ. Khi đã thành đôi, cả hai giao phối, cùng làm tổ, ấp trứng, và nuôi con non. Hải âu là loài sống theo bầy đàn, xây tổ gần nhau, thường là ở các hòn đảo biệt lập. Tổ của chúng thường được xây cao bằng cỏ, đất, bụi cây và lông vũ.

Mỗi mùa sinh sản Hải Âu chỉ đẻ một trứng. Chim con nở ra rất phụ thuộc vào chim bố mẹ. Chim con phát triển chậm, do đó chúng ít ăn hơn, giúp thích nghi tốt hơn trong điều kiện khan hiếm thức ăn.

Còn Mòng Biển lại có các nghi thức giao phối riêng, trong đó con trống thường biểu diễn các điệu múa hoặc hành vi tán tỉnh đặc trưng. Mòng Biển có thể sống tới 20 năm và khi đã ghép đôi thì thường gắn bó lâu dài. Mòng Biển cũng sống theo bầy đàn và chúng thường làm tổ tại vách đá ven biển, cồn cát, các đảo gần bờ hoặc những nơi khó tiếp cận trong đất liền. Tổ thường làm trên mặt đất, nhưng cũng có loài làm tổ ở nơi cao. Việc cùng nhau xây tổ là một phần quan trọng trong quá trình gắn bó giữa cặp đôi.

Thông thường, mỗi mùa sinh sản Mòng Biển đẻ một lứa gồm 3 trứng. Cả bố và mẹ cùng nhau ấp trứng và chăm sóc con non.

Hy vọng, với những chia sẻ trên đây của Hội Chim Trời đã giúp bạn đọc biết được Hải Âu và Mòng Biển là hai loài chim khác nhau. Cũng như những đặc điểm khác nhau của hai loài chim này nhé. Và nếu bạn còn thắc mắc hay có đóng góp thêm cho bài viết này, vui lòng để lại ở phần bình luận, chúng tôi sẽ tiếp nhận và phản hồi sớm nhất. Xin cảm ơn!!!

Hội Chim Trời
Hội Chim Trờihttps://hoichimtroi.com
Nếu bạn là một người yêu thích chim trời, chim cảnh thì những chia sẻ của Hội Chim Trời sẽ giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích và chính xác nhất về: Loài, giống, nguồn gốc, nơi ở, sinh sản, cách nuôi, thuần... chuẩn nhất nhé.

ĐỌC THÊM

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

BÀI VIẾT MỚI